Khách hàng lấy số từ đầu giờ sáng, biết còn rất lâu mới tới lượt nên tranh thủ ghé qua một ngân hàng khác để cập nhật tài khoản, khi quay lại PGD Vietcombank, anh vẫn tiếp tục chờ thêm 40 phút nữa mới tới lượt.
Ngày 17/12/2024, báo VietNamNet đưa tin “Quá tải người đi cập nhật tài khoản trước hạn khóa, khách phải chờ cả tiếng” với nội dung như sau:
Chỉ còn đúng hai tuần nữa, ngày 31/12/2024 là thời hạn cuối cùng để các chủ tài khoản ngân hàng phải cập nhật sinh trắc học nếu không muốn bị tạm dừng giao dịch trực tuyến (chuyển tiền trực tuyến, giao dịch trực tuyến bằng thẻ, rút tiền bằng mã QR, các giao dịch thẻ bằng phương thức điện tử khác) từ ngày 1/1/2025.
Cùng với đó, khách hàng nếu chưa cập nhật giấy tờ tuỳ thân mới thay thế giấy tờ tuỳ thân hết hiệu lực (CMND, CCCD, hộ chiếu, thị thực) sẽ bị tạm dừng giao dịch tại tất cả các kênh (quầy, trực tuyến, ATM) từ 1/1/2025.
Đây là các quy định theo Thông tư 17/2024/TT-NHNN quy định việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư 18/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Chỉ còn 2 tuần để các chủ tài khoản ngân hàng chạy đua “chuyến tàu cuối” nếu không muốn bị gián đoạn giao dịch.
Theo ghi nhận của VietNamNet tại các phòng giao dịch (PGD) ngân hàng trên địa bàn Hà Nội trong ngày 16/12, lượng khách hàng đến đăng ký xác thực sinh trắc học tại quầy rất đông khiến nhiều phòng giao dịch trở nên quá tải.
Tại PGD Techcombank Linh Đàm, từ 9h sáng lượng khách hàng đã lấy số chờ giao dịch ngồi không còn một ghế trống. Trên 50% trong số đó đến để hoàn tất thủ tục xác thực sinh trắc học tại quầy do thiết bị di động không hỗ trợ NFC (công nghệ kết nối không dây), hoặc cập nhật số CCCD mới với những khách hàng đăng ký mở tài khoản bằng CMND 9 số.
Chị Nguyễn Thị Diện, giao dịch viên Techcombank Linh Đàm cho biết: “Lượng khách hàng đến yêu cầu hỗ trợ xác thực sinh trắc học và cập nhật số CCCD mới tăng đột biến kể từ sau ngày 10/12, nên khách đến giao dịch những ngày này phải chờ đợi khá lâu. Một số khách hàng đến thực hiện các giao dịch khác nhưng cũng tranh thủ cập nhật sinh trắc học luôn”.
Chị Hà Hoài Thu, một khách hàng của Techcombank cho biết: “Dù biết đến Quyết định 2345 có hiệu lực từ 1/7/2024 là cần phải xác thực sinh trắc học mới có thể chuyển tiền có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng, nhưng vì điện thoại không hỗ trợ NFC, lại chẳng mấy khi chuyển tiền giá trị lớn, nên tôi “lười” không đi đăng ký. Đến khi biết được hạn chót là 31/12/2024 nên phải tranh thủ làm ngay”.
Theo quan sát, mỗi khách hàng chỉ mất từ 3 – 5 phút để hoàn tất việc xác thực sinh trắc học. Với những khách hàng mở tài khoản online, thời gian xác thực sẽ lâu hơn do nhân viên ngân hàng phải cập nhật lại thông tin cá nhân của khách.
Tuy nhiên, để đến lượt được hỗ trợ, khách hàng tại Techcombank Linh Đàm phải chờ khoảng trên 40 phút kể từ lúc lấy số thứ tự.
“Nhiều người thường đến vào đầu giờ sáng hoặc đầu giờ chiều, đó là khoảng thời gian các ngân hàng thường bị quá tải do quá đông người đến giao dịch. Nếu muốn không mất thời gian chờ đợi thì khách hàng nên đến vào thời điểm cuối buối sáng hoặc chiều”, giao dịch viên Nguyễn Thị Diện cho biết.
Tuy nhiên, mức độ quá tải tại Techcombank Linh Đàm chưa là gì so với PGD của Vietcombank Linh Đàm ngay kế bên. Trong buổi sáng 16/12, luôn có khoảng trên 30 khách hàng ngồi túc trực, nhiều người trong số đó chờ đợi được hỗ trợ xác thực sinh trắc học.
Một khách hàng nam cho biết, anh đến lấy số từ đầu giờ sáng, thấy còn rất lâu mới tới lượt nên tranh thủ ghé qua một ngân hàng khác gần đó để nhờ hỗ trợ xác thực tài khoản khác. Sau 40 phút, quay lại PGD Vietcombank, anh vẫn tiếp tục chờ thêm khoảng 40 phút nữa mới tới lượt.Có rất đông khách hàng chờ đợi tại VCB Linh Đàm. Ảnh: NT.
Điều tương tự cũng diễn ra với các PGD có quy mô lớn của VPBank, BIDV, ACB, TPBank,…. Tuy nhiên, tại một PGD của Agribank CN Thanh Trì và PGD VietinBank Kim Liên, mỗi PGD chỉ có khoảng 5 – 6 khách hàng đến giao dịch, phần lớn trong số họ đến vì mục đích hỗ trợ xác thực sinh trắc học.
Một giao dịch viên tại PGD của Agribank cho biết, tất cả các điểm giao dịch của Agribank đều hỗ trợ khách hàng cài đặt sinh trắc học. Tuy nhiên, nhiều khách hàng có xu hướng tìm đến các chi nhánh, PGD “hoành tráng” nên những nơi này thường quá tải, trong khi các PGD nhỏ, ở những vị trí không phải là trung tâm thì lại hỗ trợ rất nhanh và không phải chờ đợi.
Cùng ngày, Báo Mới đưa tin “Chưa xác thực sinh trắc học, tiền trong tài khoản sẽ ra sao?” với nội dung như sau:
Nếu sau ngày 1-1-2025, chủ tài khoản vẫn chưa xác thực sinh trắc học, liệu có thể thực hiện rút tiền trong tài khoản được hay không?
Dù đã gần đến hạn chót, nhưng chưa có ngân hàng nào công bố 100% số tài khoản thanh toán đã thực hiện hoàn tất việc xác thực sinh trắc học.
Chưa xác thực sinh trắc học, rút tiền ATM được không?
Thậm chí, nhiều người vẫn còn chưa hiểu rõ được những giao dịch thanh toán nào vẫn có thể thực hiện bình thường, giao dịch thanh toán nào sẽ bị tạm dừng nếu chưa xác thực sinh trắc học, cập nhật giấy tờ tùy thân sau ngày 1-1-2025.
Theo công văn mới nhất số 9913 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành ngày 3-12-2024 hướng dẫn nội dung về giao dịch thẻ bằng phương thức điện tử, thì giao dịch thanh toán trực tuyến, rút tiền mặt tại máy giao dịch tự động được coi là giao dịch thẻ bằng phương tiện điện tử (không bao gồm sử dụng thẻ vật lý để rút tiền tại máy giao dịch tự động) và giao dịch tại thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán không được coi là giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Như vậy, từ ngày 1-1-2025, với những khách hàng nào chưa cập nhật sinh trắc học vẫn có thể sử dụng thẻ vật lý để rút tiền tại máy ATM và giao dịch thanh toán tại máy POS.
Tuy nhiên, nếu chưa cập nhật thông tin sinh trắc học, chủ tài khoản sẽ bị tạm dừng các giao dịch trực tuyến (chuyển tiền online, thanh toán hóa đơn online…); giao dịch thanh toán thẻ trực tuyến; giao dịch rút tiền bằng mã QR tại máy ATM.
Đáng chú ý, đối với giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, Hộ chiếu, thị thực) đã hết hiệu lực mà chưa cập nhật giấy tờ tùy thân mới, chủ tài khoản cũng sẽ bị tạm dừng giao dịch tại tất cả các kênh (quầy, trực tuyến, ATM).
Được biết, tại Vietcombank, tính đến đầu tháng 12 này, ngân hàng đã ghi nhận gần 8,5 triệu khách hàng cập nhật sinh trắc học thành công và vẫn tiếp tục gia tăng.
Ngân hàng tìm đủ cách kéo khách hàng xác thực sinh trắc học
Để hỗ trợ khách hàng cập nhật giấy tờ tùy thân mới hoặc xác thực sinh trắc học, nhiều ngân hàng đã mở cửa giao dịch vào ngày cuối tuần.
Đơn cử như tại Vietinbank, từ nay đến hết ngày 28-12-2024, ngân hàng này sẽ mở cửa các phòng giao dịch vào thứ Bảy và Chủ nhật (từ 8h00 đến 16h30) để phục vụ doanh nghiệp, hộ kinh doanh cập nhật thông tin giấy tờ tùy thân.
Tại Vietcombank, nhận thấy nhu cầu cập nhật sinh trắc học của người dân tăng cao, nhà băng này đã nhanh chóng tổ chức triển khai làm việc ngoài giờ hành chính và làm thêm vào cuối tuần để phục vụ khách hàng.
Cụ thể, từ ngày 23-11-2024 đến 15/01/2025, các điểm giao dịch của Vietcombank phục vụ khách hàng từ 8h00 đến 18h30 từ thứ Hai đến thứ Sáu và từ 8h00 đến 17h30 vào cuối tuần để hỗ trợ khách hàng đăng ký thông tin.
Đặc biệt, khách hàng không cần phải quay lại chi nhánh nơi mở tài khoản mà có thể đến bất kỳ điểm giao dịch nào của Vietcombank để thực hiện thủ tục này.
Còn tại VPBank dành 7 tỉ đồng để tặng cho khách hàng cập nhật thông tin từ 7-11-2024 đến hết 23-1-2025.
Theo đó, khách hàng mở mới và khách hàng hiện hữu của VPBank sẽ nhận một mã quay thưởng khi thực hiện xác minh sinh trắc học hoặc cập nhật giấy tờ tùy thân mới, đồng thời tham gia quay thưởng vào tối thứ Sáu của tuần kế tiếp.
Ngoài ra, VPBank cũng tặng mã evoucher hoàn tiền trị giá 50.000 đồng cho khách hàng mở thẻ và tài khoản trước ngày 1-10-2024 xác thực sinh trắc học và cập nhật giấy tờ.