Dù có công khai hoang nhưng tôi chỉ được thừa kế một mảnh vườn ở xa, còn phần lớn đất đai giá trị cha mẹ đều sang tên cho anh trai.
LỜI TÒA SOẠN:
Tranh chấp tài sản thừa kế trong các gia đình không còn là chuyện hiếm. Sau những tranh chấp ấy, bất kể thắng thua ra sao, tình cảm gia đình cũng không còn được như trước. VietNamNet mở diễn đàn “Chia tài sản thừa kế”. Bài viết chia sẻ của bạn đọc, vui lòng gửi về địa chỉ: [email protected]
Bố mẹ tôi sinh được 4 con trai và 2 con gái. Chúng tôi lớn lên trong thời kỳ đất nước vừa thống nhất, còn nhiều khó khăn. Ngoại trừ anh trai thứ tư, mấy anh em tôi chỉ học đến lớp 4 – 5 trường làng.
Trong khi anh Tư cắp sách đến trường, tôi cùng các anh chị em khác phải dãi nắng dầm mưa khai khẩn đất hoang. Tuy nhiên, chúng tôi chưa từng oán than với cha mẹ.
Chúng tôi đến tuổi dựng vợ gả chồng đều được cha mẹ cho ra riêng. Cha mẹ lần lượt chia cho chúng tôi đất đai, ruộng vườn để canh tác.
Nhưng, cha mẹ tôi không công bằng trong quá trình phân chia tài sản cho các con. Những người con có công khai khẩn thì nhận ruộng vườn ở bưng biền, còn anh Tư lại được ở nhà lớn, hưởng đất đai gần đường lớn.
Thời điểm đó, cha mẹ tôi khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn. Tôi nói việc phân chia tài sản lạ lùng của cha mẹ là sự thiên vị lộ liễu.
Cha mẹ tôi cũng không giấu giếm việc ưu ái anh Tư. Ông bà nói, anh Tư học hành đỗ đạt, có địa vị xã hội nên không thể cho đất ở xa.
Vả lại, cha mẹ tôi mong muốn những năm cuối đời sống chung và được anh Tư chăm sóc. Hai người không trông mong những đứa con nông dân, ít học báo hiếu.
Tôi chấp nhận lùi một bước để không tranh cãi với mẹ trước tòa. Ảnh minh họa: PX
2 em gái tôi an phận, chấp nhận sự phân chia của cha mẹ. Trong số 3 người còn lại, tôi nhận phần tài sản có giá trị thấp nhất. Đó là mảnh vườn khoảng 1.000m2 giáp ranh tỉnh Long An.
Tôi không thể nuốt nổi cục tức vì bị đối xử bất công. Tôi đấu tranh thì cha mẹ từ mặt, chửi tôi là đứa con bất hiếu.
Vì không chịu được ấm ức, vợ tôi lỡ lời hỗn láo với cha mẹ chồng. Cô ấy còn trách tôi nhu nhược, dẫn đến vợ chồng bất hòa. Lần đó, vợ tôi dọn về nhà mẹ đẻ, vợ chồng suýt ly hôn.
Khi cha tôi mất, cả nhà có cơ hội hàn gắn sau bao năm không nhìn mặt nhau. Chính tôi cũng dần chấp nhận mình bạc phước, không được cha mẹ yêu thương.
Trời thương, vợ tôi giỏi buôn bán, nhờ vậy kinh tế gia đình dư dả, mua được nhà đất gần chợ. Vì mảnh vườn cha mẹ cho ở xa, khó đi lại canh tác, quản lý nên tôi quyết định bán.
Biết tin tôi bán vườn, anh Tư hùng hổ chở mẹ đến, yêu cầu tôi chia tiền. Anh ta lấy lý do mảnh vườn là tài sản do cha mẹ tạo dựng, chỉ cho canh tác không cho bán. Nay, tôi bán vườn mà không thông báo thì phải chia tiền cho mẹ dưỡng già.
Tôi giận lắm nhưng cố nén vì có mặt mẹ. Tôi quay sang hỏi ý kiến của mẹ thì bà nhìn anh Tư rồi nói: “Con làm theo lời anh Tư đi”.
Tôi hỏi mẹ tại sao đối xử bất công, cùng là con mà người thương kẻ ghét. Tôi không tiếc tiền phụng dưỡng mẹ nhưng chuyện này do anh Tư tham lam, thúc ép nên một đồng tôi cũng không đưa ra.
Kết thúc buổi đấu tố lẫn nhau, anh Tư ra về và đe dọa cho tôi một bài học. Tôi biết anh ấy nói thì sẽ làm. Nhưng, tôi không ngờ anh ấy thúc giục, làm đơn cho mẹ kiện tôi.
Về lý lẫn tình, tôi bán vườn không chia tiền cho mẹ không có gì sai. Tuy nhiên, tôi không đủ dũng khí để đối diện, tranh luận với mẹ ở tòa án.
Mẹ con ra tòa tranh nhau tài sản sẽ khiến gia đình mất mặt. Người ngoài không hiểu lại nghĩ tôi tham lam, bất hiếu.
Tôi từng đau khổ về những ngày tháng cắt đứt liên lạc với cha mẹ. Lần này, tôi không muốn ôm nỗi đau ấy đến cuối đời. Tôi chấp nhận đưa cho mẹ 200 triệu đồng trong sự hả hê của anh Tư.
Tiền bạc mất đi rồi sẽ kiếm lại được, còn mẹ thì chỉ có một trên đời. Trong chuyện này, mẹ tôi bị anh Tư thao túng, thúc ép, chứ chắc gì bà muốn tranh giành tài sản đã cho con.
Lỗi của mẹ tôi là yêu thương và tin tưởng anh Tư tuyệt đối. Bà quên những đứa con khác cũng cần được che chở, thương yêu.